DANH MỤC TIN TỨC
  • Dây chuyền sản xuất bột cáVận chuyển cho khách hàng
  • Nguyên liệuDu lịch sông nước miền Tây
  • Hình ảnh Công tyTổng quan nhà máy chế biến
  • Tổng khoXử lý cá tươi
  • Nền nhà xưởngDanh hiệu
(Nguồn: Ngân hàng Vietcombank)
THỐNG KẾ
  • Đang online
    : 2
  • Lượt truy cập
    : 92686

Ninh Thuận: Nuôi tôm công nghiệp không kháng sinh, hóa chất

"Với 10 năm trong nghề nuôi tôm, 5 năm tôi nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp với diện tích 6 ha; phần thắng nhiều hơn, nhưng rủi ro vẫn luôn đe dọa" - Ông Nguyễn Ngọc Toàn (thôn Hòa Thạnh, xã Ninh Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bộc bạch.
Năm 2014, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Toàn áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo Quy phạm VietGAP, diện tích 2 ha. Sau khi tập huấn về Quy phạm VietGAP, ông nhận thức được 4 nội dung quan trọng của nuôi theo VietGAP là an toàn thực phẩm; an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường và an sinh xã hội.

Từ kiến thức đã học, ông Toàn quyết định tuân thủ đúng quy trình và không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi tôm. Ông cho biết các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị nước vào ao lắng (ao lót bạt)
Sau khi đã chuẩn bị ao chu đáo (tháo cạn, rửa sạch bạt, phơi khô, khử trùng), chăng lưới ngăn chim và lưới ngăn cua, còng, cáy… lấy nước vào qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng, tôm, cua, còng cáy, cá tạp, côn trùng…(chờ con nước sạch mới lấy), dùng Ca (ClO)2 để khử trùng nước, liều lượng 2 kg/1.000 m3 nước, quạt nước liên tục trong 1 ngày rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2 lít/1.000 m3 nước, 2 ngày sau dùng vôi (CaCO3) liều lượng 70 kg/1.000 m3, hòa tan té xuống ao để ổn định pH, dùng EDTA liều lượng 5 kg/1.000 m3 nước để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm.

Bước 2: Gây màu nước tại ao nuôi
Khi đã đưa nước vào ao nuôi, tiến hành gây màu nước theo công thức 4:2:1 (cứ 4 kg đường mật + 2 kg thóc say + 1 lít E.M), ủ với 40 lít nước, thời gian 4 - 5 ngày, sau khi đã lên men, té xuống ao để gây màu nước với liều lượng 400 lít/1.000 m3 nước, té liên tục trong 3 ngày là màu nước lên đẹp, đảm bảo cho tôm phát triển tốt.
Bước 3: Chọn và thả tôm giống
- Chọn tôm giống: Thả tôm giống P15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, tôm âm tính về các bệnh: MBV, đốm trắng, đầu vàng, IMNV, gạn tụy…

- Thả đúng mùa vụ, chọn thời điểm mát để thả (chiều tối), mật độ 100 con/m2.

Bước 4: Chăm sóc, quản lý
- Cho ăn: Chọn loại thức ăn có độ đạm từ 32 - 38%, có nhãn mác rõ ràng, có uy tín, cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm), kích cỡ thức ăn theo độ tuổi của tôm. Ngày cho ăn 4 lần (sáng, gần trưa, đầu giờ chiều, chiều tối), đặc biệt phải chú ý dùng quạt nước 24/24 giờ để tôm đủ oxy. Sau khi nuôi được 3 ngày bắt đầu dùng chế phẩm sinh học E.M, liều lượng 1 lít/1.000 m3 nước, định kỳ 5 - 7 ngày bón một lần (tùy theo màu nước để quyết định bón E.M, nếu màu nước đậm đặc không bón nữa). Nếu nước xuất hiện nhiều tảo lam thì tiến hành thay nước (1/3 nước trong ao), chú ý phải thay vào ban đêm, sáng hôm sau bón tiếp chế phẩm sinh học E.M. Khi nhiệt độ cao hơn 340C và thấp hơn 240C, giảm 20% thức ăn. Ông Toàn cho biết, chế phẩm sinh học (CPSH) rất hữu ích trong ao nuôi tôm vì CPSH phân hủy hết các chất hữu cơ, thức ăn thừa, khí độc… làm sạch đáy ao, ổn định màu nước, ức chế các vi sinh vật có hại, thúc đẩy các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng sức khỏe cho tôm, do đó tôm lớn nhanh, ít bệnh, hiệu quả cao hơn hình thức nuôi khác rất nhiều.

- Chăm sóc: Trong quá trình nuôi, ông luôn quan sát màu nước và sức khỏe tôm để xử lý hàng ngày (quyết định lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, bổ sung nước…). Thường xuyên bổ sung khoáng vào môi trường nước và thức ăn cho tôm, ngoài ra còn phải cho tôm ăn thêm Vitamin C, bổ gan, cho ăn liên tục từ khi tôm được 20 ngày tuổi cho đến lúc thu hoạch. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học và các chất bổ sung khoảng 10.000 đồng/kg tôm thương phẩm.

- Quản lý môi trường nước: Hàng ngày, ông tiến hành đo các yếu tố như nhiệt độ, pH, DO, NH3, độ mặn, độ kiềm để xử lý kịp thời.

Bước 5: Thu hoạch
Ông Toàn nói, trong suốt quá trình nuôi, ông không sử dụng bất kỳ một loại kháng sinh, hóa chất nào để phòng trị bệnh cho tôm; trong tổng số 6 ha nuôi tôm, ông Toàn áp dụng nuôi theo VietGAP 2 ha, 4 ha không áp dụng VietGAP. Kết quả so sánh cho thấy, ao nuôi theo VietGAP, tôm nhanh lớn, màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị dịch bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ; ao nuôi không theo VietGAP, rủi ro nhiều hơn, năng suất bình quân chỉ đạt 10 tấn/ha/vụ. Trong khi đó tôm nuôi theo VietGAP giá bán cao hơn nuôi thường 15.000 đồng/kg (tôm cùng cỡ). Kết quả thu hoạch, với 2 ha tôm nuôi theo VietGAP, sau 71 ngày nuôi thu được 30 tấn (tôm cỡ 54 con/kg), giá bán 162.000 đồng/kg, doanh thu 4,86 tỷ đồng, lợi nhuận 2,2 tỷ đồng. Ông nuôi 2 vụ/năm, lợi nhuận thu được 4,4 tỷ đồng/2ha/năm.

Đến học tập và áp dụng mô hình nuôi tôm theo VietGAP của ông Nguyễn Ngọc Toàn, hộ ông Trần Văn Nam ở thôn Hòa Thạnh (xã Ninh Hải, huyện Ninh Phước) cũng đã thành công với 10 ha, sản lượng năm nay đạt 200 tấn tôm thương phẩm. Ông cho biết, áp dụng nuôi theo VietGAP đã giúp hạn chế được dịch bệnh cho tôm và đạt hiệu quả cao ngoài mong đợi.

Từ kết quả khả quan trên, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Mô hình nuôi tôm thẻ theo VietGAP và cấp chứng nhận VietGAP cho 4 cơ sở nuôi tôm trên cát với diện tích 20 ha. Giấy chứng nhận có hiệu lực 2 năm và được gia hạn 3 tháng trong thời gian đăng ký cấp lại.